Nhiều điểm đến sao chép công trình nổi tiếng ở Indonesia, thậm chí “nhái” cả Cầu Vàng Đà Nẵng, khiến người yêu Đà Lạt lo ngại.
Chiếc xích đu trên không ở Đà Lạt, nằm trong một khu phức hợp gồm quán cà phê và homestay gần đèo Tà Nung, thu hút nhiều bạn trẻ đầu tư trang phục để chụp ảnh. Mô hình này được cho là giống “xích đu tử thần” Bali Swing (ảnh sau) ở Indonesia. Người chơi Bali Swing được thả vào không trung từ nơi rất cao so với phiên bản ở Đà Lạt, bên dưới là thung lũng cây nhiệt đới, đồng lúa, làng mạc, thác nước.
Ngay cạnh xích đu trên không, tổ chim khổng lồ hướng núi đồi cho khách ngồi chụp ảnh cũng được thiết kế giống phiên bản ở Bali. Dù cách xa trung tâm TP Đà Lạt gần 20 km, điểm check-in này vẫn có đông giới trẻ đến chụp hình..
Khu du lịch ở Đà Lạt chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ đang từng ngày thiết kế nơi này trở thành một nơi “chuẩn Bali”, bằng việc tái hiện thật nhiều khu vực chụp ảnh “sống ảo” giống ở Indonesia, như chiếc giường lưới giữa đồi.
Không chỉ có “tiểu Bali”, khu du lịch này còn xây một bàn tay khổng lồ gần giống công trình ở vườn hoa Sirao, thành phố Cebu (Philippines).
“Có những tour thiết kế riêng theo yêu cầu khách, danh sách điểm đến họ chọn toàn nơi thế này, do thấy người từng đi đăng ảnh đẹp lung linh trên mạng”, hướng dẫn viên du lịch Hoàng Nguyễn chia sẻ. .
Khách sạn bong bóng khá phổ biến ở các nước châu Âu, cũng nổi tiếng ở bãi biển Bali, có mặt trong một khu nghỉ dưỡng trên đường Khe Sanh (TP Đà Lạt) hồi tháng 7/2019. Khách sạn từng “gây bão” trong cộng đồng du khách yêu mến Đà Lạt. .
Cánh cổng đặc trưng của đất nước Indonesia cũng được tái hiện ở khu đồi cáp treo Đà Lạt, có tên gọi “cổng trời Bali”. Cổng trời ở Đà Lạt là sản phẩm được sơn vẽ gần giống phiên bản thật, kích thước nhỏ hơn.
Cổng trời ở Bali, mang ý nghĩa văn hóa lâu đời của người bản địa Indonesia, được đưa vào danh sách check-in của nhiều du khách quốc tế. Tại đất nước này, từng có tranh cãi về việc du khách tham quan nơi linh thiêng chỉ để “sống ảo” là không hay, và một luồng dư luận khác cho rằng người dân địa phương đã thương mại hóa văn hóa của chính họ..
Ngoài ra, Đà Lạt hiện có hai mô hình thu nhỏ của Cầu Vàng Đà Nẵng vốn nổi tiếng thế giới, tọa lạc ở xã Xuân Thọ cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Dù thu hút khách tham quan nhưng các công trình này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Nhận mình là một người yêu Đà Lạt, nhà báo Lê Minh Hạ không muốn thành phố lãng mạn này trở thành “tiệm tạp hóa” gồm quá nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm sao chép. Theo anh, từ lâu, Đà Lạt đã đủ hấp dẫn du khách thập phương. Một khi đủ hấp dẫn thì không cần thiết phải dựng lên những công trình mang tính phong trào, không mang bản sắc địa phương như vậy.
Chiếc giường trên không này thực tế đặt cố định trên mặt đất, không phải xích đu như Bali. “Chủ yếu họ bắt chước để phục vụ du khách ‘sống ảo’, sao cho có không gian na ná như ở nước ngoài”, một số bình luận so sánh.