Ankroet là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam, do người Pháp xây dựng năm 1942 với vật liệu chủ yếu bằng đá.
Nhà máy thủy điện Ankroet nằm sâu trong thung lũng Dan Kia – Suối Vàng, giữa rừng thông, cách TP Đà Lạt khoảng 15 km. Công trình do người Pháp xây dựng từ năm 1942 và khánh thành, phát điện vào năm 1946.
Hiện nay, thủy điện Ankroet vẫn rất kiên cố, có kiến trúc hài hòa với thiên nhiên. Tổng thể công trình trông như một biệt thự nghỉ dưỡng chứ không mang dáng dấp của công xưởng. Nhà máy có công suất thiết kế ban đầu chỉ 600 kW, hòa điện với nhà máy điện diesel Đà Lạt. Công trình chủ yếu cấp điện cho các biệt thự quanh vùng.
Lối vào nơi này là một khu vườn rợp bóng cây với những chiếc cầu nhỏ bắc ngang suối Vàng.
Công trình do người Pháp thiết kế với những vật liệu liệu quen thuộc thường thấy ở các biệt thự cổ. Mái ngói đỏ có độ dốc lớn mang dáng dấp của nhà rông Tây Nguyên.
Hầu hết hạng mục công trình được xây dựng bằng đá chẻ và liên kết bằng mạch vữa. Lúc bấy giờ, việc thi công nơi này dùng sức người là chủ yếu.
Quanh lối vào còn trưng bày hệ thống máy móc, tuabin, bánh xe công tác… từng vận hành những năm đầu xây dựng.
Năm 1960, để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Đa Nhim, người Nhật đã nâng công suất nhà máy Ankroet lên 3.100 kW. Hiện, công suất của nhà máy là 4.400 kW.
Cách nhà máy thủy điện Ankroet khoảng 5 km là hệ thống đập tự tràn với dung tích hồ chứa một triệu m3 nước. Quá trình ngăn dòng đã tạo nên hồ Suối Vàng thơ mộng giữa rừng thông.
Đập Ankroet là đập tự tràn xây bằng đá chẻ dài 97 m, cao hơn 10 m. Công trình này là điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình khám phá thung lũng Dan Kia – Suối Vàng.
Loại đá xây đập và nhà máy đều khai thác ở địa phương. Hiện Ankroet là thủy điện duy nhất ở Việt Nam có đập tràn xây bằng đá chẻ.
Ngoài tham quan nhà máy thủy điện, đập tràn thì Suối Vàng cũng là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Đà Lạt. Ngoài thời gian xả lũ, nước trong đoạn suối dẫn vào nhà máy khá cạn, khách có thể đi bộ xuống giữa dòng thưởng lãm, cắm trại giữa núi rừng.